CĐXDVN nhận định: Quá trình tổ chức Hội thi ở cấp cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở, các cấp công đoàn đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn của lãnh đạo đơn vị. Ở nhiều đơn vị, đã thành lập Ban Tổ chức hội thi do đồng chí Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ lao động (BHLĐ) làm trưởng ban, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của đơn vị tham gia thành viên và trực tiếp tham gia biên soạn câu hỏi và làm giám khảo Hội thi.
Ở một số đơn vị, chuyên môn đã hỗ trợ kinh phí tổ chức, chi tiền lương, tiền bồi dưỡng cho thí sinh trong quá trình ôn luyện và cả kinh phí làm giải thưởng.
Có nhiều đồng chí lãnh đạo đơn vị dù bận rất nhiều việc nhưng đã dành thời gian dự từ đầu đến cuối Hội thi. Phát biểu chỉ đạo Hội thi, có đồng chí Tổng giám đốc đã nói : “Tôi thấy cuộc thi này rất có ý nghĩa đối với đơn vị chúng ta. Tôi mong rằng ngày nào CBCNV ở đơn vị chúng ta cũng chuẩn bị tinh thần đi thi ATVSV giỏi”.
Ở một TCty khác, khi bắt đầu triển khai cuộc thi thì cũng có đơn vị cơ sở không muốn dự thi vì cho rằng Hội thi là hình thức, không có tác dụng. Nhưng khi kết thúc hội thi, chính lãnh đạo đơn vị đó đã mong muốn TCty nên tổ chức hội thi này mỗi năm một lần.
Có thể khẳng định, Hội thi ở cấp cơ sở và cấp trên cơ sở đã thu được nhiều kết quả, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, có sức lan tỏa, thu hút được sự tham gia của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Tuy nhiên, cũng còn có 03 TCty lớn, có số lượng đoàn viên, CNVCLĐ rất đông nhưng chưa tổ chức Hội thi.
Trở lại với vòng chung kết tại Hà Nội, 48 thí sinh của 16 đội tham dự là những người đã xuất sắc đạt giải nhất ở Hội thi cấp trên cơ sở, mang đến Hội thi nhiều kinh nghiệm quý báu để chia sẻ với các đồng nghiệp. Thông qua hội thi, họ đồng thời cũng được tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm tốt từ các đơn vị bạn để khi trở về đơn vị tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và làm tốt hơn nữa công việc của mình, góp phần không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc.
Hội thi thực sự là ngày hội của những người làm công tác ATVSLĐ và cơ hội tìm hiểu về các quy định về an toàn lao động.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, phần lý thuyết nhiều câu hỏi có tính chuyên sâu liên quan tới nội dung phức tạp, tính chất chuyên môn sâu nhưng phần lớn thí sinh đều trả lời đúng, phần liên hệ với sản xuất kinh doanh rất sát nên đã giới thiệu bức tranh với đầy đủ đặc điểm về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
Đa số thí sinh đều nêu đầy đủ các biện pháp xử lý, hành vi gây ảnh hưởng dẫn đến sự cố. Phần ghi nhớ ngoài các điều được ghi nhớ trong tình huống cần ghi nhớ trong từng trường hợp các đội thi đã nêu bật được nội dung mang tính phổ biến.
Ưu điểm của phần thi lý thuyết của các đội được đánh giá cao nhưng một số thí sinh còn mất bình tĩnh nên trả lời còn thiếu. Phần liên hệ chưa đầy đủ, một số thuật ngữ chưa đúng, có thí sinh bị nhầm lẫm thuật ngữ. Những sai sót này cần đòi hỏi ATVSV nghiên cứu sâu hơn nữa.
Phần thi thực hành các thí sinh đã thế hiện tính chuyên nghiệp trong thực hành sơ cấp cứu, các thi sinh tham gia dự thi đã thể hiện đúng tâm trạng của người bị thương, đúng trình tự sơ cấp cứu đạt kết quả tốt.
Phần thi năng khiếu thực sự trở thành một sân khấu chuyên nghiệp khi có nhiều đơn vị đầu tư xây dựng các tiểu phẩm công phu, sâu sát với thực tiễn. Cách dàn dựng các tiểu phẩm dễ nhớ, thí sinh thể hiện suất sắc, thông qua các hình thức thơ ca, hò vè gây xúc động trong lòng cổ động viên và có tính cảnh báo, phòng ngừa tai nạn lao động.
Hầu hết các đội tham gia vòng chung kết đã dùng phương pháp sân khấu hóa để dễ hiểu, dễ nhớ thu hút được các CNVCLĐ. Trong đó lồng ghép các hình ảnh hoạt động của đơn vị. Những an toàn viên, CBCNV lúc này lại trở thành những nghệ sỹ thực sự trên sân khấu. Thông qua các tình huống rất đời thường nhưng được các đội xây dựng hình tượng hóa, đùng ngôn ngữ sân khấu khiến thật dễ hiểu, dễ nhớ.
Đội TCty Sông Đà thể hiện vở kịch ngắn có tính răn đe của diêm vương với các linh hồn vi phạm quy định ATVSLĐ. Hay TCty CC1 với vở kịch ngắn thể hiện nội dung bố đến thăm con trên công trường, qua gặp gỡ tìm hiểu các đồng nghiệp của con ông bố này đã thực sự hiểu và ngưỡng mộ công việc của con và các đồng nghiệp đang làm trong một nhà máy điện hiện đại. Hay TCty Coma, thông qua mối tình cảm anh em huynh – đệ nhắc nhở hành vi vi phạm quy định ATVSLĐ. Còn TCty Fico với vở kịch ngắn đã mang đến các tình huống thực hiện quy định vệ sinh, an toàn trong khi hàn. Sự cố cháy xảy ra trong khi các công nhân không quan tâm chú ý đến việc thực hiện quy định an toàn. Mặc dù hậu quả xảy ra không nặng nề nhưng cũng đáng để xử lý.
TCty Vicem thể hiện màn ca kịch với nội dung một bên thần chết hỏi thăm các đối tượng không thực hiện nội quy an toàn, một bên là các an toàn viên đã chiến thắng thần chết vì thực hiện đúng các quy định về ATVSLĐ. Bài thơ của kỹ sư Dương Đình Cung (Vicem) tự biên đã như một lời nhắn nhủ: An toàn là bạn tai nạn là thù. Đó cũng là thông điệp chung mà các đội tham dự vòng chung kết gửi đến hội thi.
Hãy cùng nhau giữ bình yên cuộc sống, hãy cùng nhau vươn tới tương lai
Các thành viên đã tự tin trên sân khấu thể hiện bằng cả tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề, bằng những kinh nghiệm gắn bó với ngành Xây dựng.
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Xây dựng năm 2014 đã kết thúc thành công với Giải nhất thuộc về TCty Sông Đà; Giải nhì thuộc về 2 TCty Vicem và CP Sông Hồng; Giải ba thuộc về 3 TCty Viglacera, Hud, Licogi; Giải khuyến khích đã được trao cho các TCty DIC, XD Hà Nội, Vật liệu Xây dựng số 1, Coma và ngành Xây dựng Hà Nội.