Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm liên tục và bền bỉ trong hơn 10 năm qua, từ hơn 30% xuống còn 15%, tức là giảm hơn 2 lần, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong cải thiện dinh dưỡng trẻ em.
Đó là sự khác biệt dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng miền, gánh nặng kép về dinh dưỡng (suy dinh dưỡng ở vùng sâu, vùng xa – thừa cân, béo phì ở đô thị); các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường, tim mạch, rối loạn chuyển hoá…; suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến thể lực người dân khi trưởng thành.
Đặc biệt, theo Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010, chiều cao của thanh niên Việt Nam hiện thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ 10-13cm, tức là hiện chỉ đạt 153cm đối với nữ và163,7cm đối với nam. Nhận định về vấn đề này, Nữ Bộ trưởng cho rằng: “Đây là vấn đề ảnh hưởng lớn tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ, chiều cao người Việt Nam chưa cải thiện đủ nhanh, vẫn thấp đáng kể so với các nước trong khu vực.
Trên thực tế, sự khác biệt về chiều cao và cân nặng của người Việt so với chuẩn quốc tế rõ rệt nhất là ở nhóm tuổi 6-12 tháng tuổi và 6-11 tuổi. Trong khi đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi năm 2013 vẫn rất cao (gần 26%); chưa kể 29% thiếu máu, 51% thiếu kẽm, 14% thiếu vitamin A… gây ảnh hưởng rõ rệt lên kết quả học tập của trẻ.
“Nguyên nhân là khẩu phẩn ăn của trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng, 49% nhu cầu canxi; 35% nhu cầu về vitamin A có giá trị sinh học cao, i-ốt. Với chế độ ăn thiếu số lượng, kém chất lượng như vậy đã dẫn tới thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu canxi… cùng với thiếu khu vui chơi trong nhà trường, nhiễm giun đường ruột… ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng và khả năng học tập của trẻ”, PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, lý giải.
Tập trung dinh dưỡng từ sữa cho lứa tuổi vàng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chiều cao, sức vóc không nhất thiết tỷ lệ thuận với sự thành đạt, cống hiến của một con người, cũng như thế lực, tầm vóc của một dân tộc. Tuy nhiên, với mỗi người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, có chế độ rèn luyện khoa học, được sống trong môi trường lành mạnh, trong sạch thì chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn về thể lực, trí lực, tinh thần; có điều kiện thành công hơn trong lập thân, lập nghiệp, phụng sự quê hương, đất nước.
Trong khi đó, sự phát triển về trí tuệ và khả năng học tập của một con người được hình thành và phát triển hơn 50% ở những năm đầu đời, khoảng 30% tiếp theo được phát triển cho đến khi trẻ 8 tuổi, từ đó trí tuệ con người sẽ tiếp tục phát triển trong quá trình học tập và làm việc trong những năm kế tiếp.
Về thể lực, khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18.
Vì vậy, thể lực, tầm vóc, trí tuệ người việt có được nâng cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta chăm sóc cho lứa tuổi vàng (0-12 tuổi) của Việt Nam như thế nào?
Và Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, việc triển khai chương trình sữa học đường là tiền đề rất quan trọng để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi đang còn cao hiện nay, để từ đó từng bước nâng cao tầm vóc thể lực, trí lực người Việt Nam.
Đây cũng là một trong nhiều mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/4/2011 với nhiều giải pháp đồng bộ.
Trên thực tế, tại các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, chương trình sữa học đường đã góp phần cải thiện chiều cao đáng kể. Ví như sau 7 năm thực hiện chương trình, chiều cao của thanh niên Thái đã tăng 7cm. Hay như Trung Quốc tăng thêm 2cm sau 5 năm thực hiện chương tình.
Còn tại Việt Nam, trong 2 năm qua, chương trình sữa học đường đã được thử nghiệm ở nhiều địa phương khác nhau với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và bước đầu cho kết quả khả quan.
Và mới đây nhất, kết quả nghiên cứu tại cộng đồng có đối chứng ở 3.600 trẻ mầm non và tiểu học ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) do Viện Dinh dưỡng thực hiện với 1 hộp sữa tươi sạch có đường 180ml/ngày, uống 5 ngày/tuần, trong 9 tháng liên tục đã cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 3%; suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%; tình trạng thiếu vi chất giảm rõ rệt.
Tất nhiên, chiều cao, cân nặng của trẻ không chỉ phụ thuộc vào sữa mà còn là dinh dưỡng của bà mẹ khi mang thai, chế độ dinh dưỡng của trẻ, chế độ luyện tập thể dục, thể thao; phòng tránh các bệnh tật nhưng “chương trình sữa học đường là chương trình tích cực, có khả thi”, Nữ Bộ trưởng khẳng định.
Quy chuẩn sữa học đường – Điều kiện để chương trình thành công!
Ở Việt Nam, trẻ em độ tuổi học đường chiếm 1/3 dân số. Và trong tổng số trên 12 triệu trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học đang đi học, có khoảng gần 600.000 em ở các huyện nghèo. Theo đó, cần 400 triệu lít sữa cho trẻ em cả nước, trong đó 21 triệu lít sữa cho trẻ em nghèo cần được sự hỗ trợ từ các ban ngành, doanh nghiệp.
Và để làm được điều này, “Cần phải có sự tham gia, vào cuộc của các ban ngành; sự tham gia của các doanh nghiệp và đặc biệt là phải ban hành được quy chuẩn sữa học đường”, PGS.TS Nguyễn Thị Hợp, Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, cho biết.
Nhấn mạnh quan điểm này, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn TH cho rằng cần phải ban hành ngay Quy chuẩn sữa học đường, trong đó cần coi trọng xuất xứ nguyên liệu đầu vào; cũng như có chính sách động viên, khích lệ doanh nghiệp tham gia; chính sách cho bà mẹ và trẻ em nghèo…
Cùng với Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa, cùng chung sức, chung lòng để nhiều loại sản phẩm sữa đến được với trẻ em Việt Nam, trước hết là cho 1/4 trẻ em đang bị thấp còi do thiếu dinh dưỡng.
Và khởi động cho chương trình ý nghĩa này, 1 triệu ly sữa tươi sạch học đường đã được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao cho đại diện Bộ GDĐT để chuyển tới cho các trẻ em ở vùng biển đảo và trẻ em thuộc các huyện nghèo thuộc chương trình 30A của Chính phủ.
Trần Phương