Những xét nghiệm để giảm tử vong vì tim mạch

Những xét nghiệm để giảm tử vong vì tim mạch

Ngày cập nhật: 03/05/2024

Để hạn chế rủi ro tử vong bệnh tim, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo nhóm người có tiền sử mắc bệnh tim cần làm một số xét nghiệm, thử test dưới đây.
1. Đo mức canxi của tim

Đo mức canxi của tim (Cardiae Calcium Scoring) hay còn gọi là phép chấm điểm canxi tim. Trong kỹ thuật này, người ta dùng máy quét CT để kiểm tra các mảng xơ vữa động mạch (tạo ra từ canxi, cholesterol và mô sẹo). Chỉ số canxi giúp bác sĩ chẩn đoán được những cơn đau tim xảy ra trong tương lai. Theo đó, các mảng xơ vữa vôi hóa, chính là dấu hiệu cảnh báo sớm trước 10 năm trước khi diễn ra cơn đau tim. Nhờ phép đo này người ta có thể ăn uống, thay đổi lối sống để giảm các mảng xơ vữa bám vào thành động mạch. Nhóm người trên 50 hoặc những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim nên đi khám kỹ thuật trên. Những người có chỉ số canxi trên 400 thì rủi ro mắc bệnh đau tim trong vòng 10 năm rất cao, nếu trên 1.000 thì rủi ro mắc bệnh tim trong vòng 1 năm là 25% nếu không điều trị. Những người có chỉ số canxi trên 200 nên thay đổi lối sống, ăn uống khoa học, dùng thuốc giảm mỡ máu hoặc nếu mắc bệnh đái tháo đường thì điều trị đồng thời các loại bệnh này.

2. Thăm dò độ dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh

Đây là phép “siêu âm cổ” để có hình ảnh của động mạch cảnh bên phải và trái cổ, nơi đảm nhận việc cung cấp máu tới cho não. Sau khi bôi gel lên cổ, người ta dùng đầu dò siêu âm lướt trên các động mạch cổ để đo độ dày lớp niêm mạc cảnh động mạch, thời gian khoảng 15 phút. Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên quan mật thiết giữa độ dày lớp nội mạc động mạch cảnh với bệnh động mạch vành, nó cho biết sớm nguy cơ tắc nghẽn máu dẫn lên não. Những người trên 40 hoặc trẻ hơn nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh tim nên đo thử bằng kỹ thuật nói trên. Độ dày lớp niêm mạc động mạch cảnh bình thường là dưới 1,06mm, nếu vượt ngưỡng trên bác sĩ cho phương án điều trị hoặc khuyến cáo ăn uống, luyện tập để giảm mỡ máu, huyết áp, nếu mắc bệnh đái tháo đường thì nên điều trị để đưa lượng đường huyết về ngưỡng hợp lý.

3. Phép thử nghiệm CRP

Xét nghiệm CRP (High Sensitivity C-Reactive Protein Test) là phép thử máu quan trọng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim. CRP là một chất phản ứng ở giai đoạn cấp được gan sản xuất và bài tiết vào máu sau vài giờ viêm nhiễm. Mức CRP có thể tăng vọt hàng nghìn lần để phản ứng với hiện tượng viêm nhiễm và biết được chỉ số này giúp theo dõi và quản lý rủi ro bệnh tim, viêm đại tràng, bệnh tự miễn, bệnh ruột thừa… Người có chỉ số CRP cao và béo bụng (trên 90cm) thì nguy cơ rủi ro mắc bệnh tim cao gấp 4 lần so với những người có mức CRP bình thường. Nhóm người trên 40 tuổi, hoặc có tiền sử mắc bệnh tim, mỡ máu cao, nghiện thuốc lá, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch thì nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Nếu chỉ số CRP dưới 1,0mg/lít máu là bình thường, từ 1 – 3mg/lít máu có rủi ro mắc bệnh trung bình và trên 3 được xem là có rủi ro mắc bệnh cao. Về điều trị, bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc statin, luyện tập để giảm cân, riêng phụ nữ có chỉ số CRP cao không được chủ quan vì đây là rủi ro mắc bệnh tim rất lớn.

4. Phép thử lipid và lipoprotein tiến triển

Không giống phép thử cholesterol truyền thống chỉ đo được cholesterol toàn phần, HDL, LDL và triglycerides, phép thử ALPLT được xem là phép xét nghiệm cao hơn, biết được các loại mỡ máu ở kích thước hạt siêu nhỏ bám vào thành động mạch, thậm chí chúng còn “trà trộn” thẩm thấu vào lớp lót thành động mạch và tạo ra mảng bựa gây tắc nghẽn thành mạch máu. Phép xét nghiệm máu lipoprotein có thể phân tích được các dạng cholesterol đặc trưng và dự báo sớm nguy cơ mắc bệnh tim. Những ai có các hạt “mỡ máu” to thì ít bị bệnh tim nhưng nếu nhiều các hạt nhỏ thì rủi ro mắc bệnh rất cao. Chỉ số lipoprotein càng cao thì các hạt LDL (mỡ máu xấu) càng nhiều, kết dính càng mạnh vào lớp lót thành động mạch nên rủi ro mắc bệnh rất lớn. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ sẽ dựa vào thực tế để cấp thuốc làm to kích thước của các hạt mỡ máu lên, như dùng fenofibrate (TriCor hoặc Trilippix) hay niacin (vitamin B3), đồng thời kết hợp với ăn uống khoa học và năng luyện tập.

5. Phép xét nghiệm gluco máu A1c

Phép thử Hemoglobin A1c cho biết nhanh kết quả lượng đường huyết, giúp người ta biết nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Những người từ 45 tuổi trở ra, nhất là nhóm người có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, bản thân mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai thì nên đi thử, tần suất 2 năm/lần. Nếu nhẹ có thể dùng ăn uống khống chế đường huyết ở mức phù hợp mà không cần dùng thuốc. Nhóm người trên 45 béo phì, dư thừa trọng lượng hoặc có lượng mỡ máu như tryglycerides cao hoặc mỡ máu tốt (HDL) thấp thì nên đi xét nghiệm này. Nếu A1c từ 4,5 và 6 thì bình thường, từ 6 và 6,4 là tiền đái tháo đường và trên 6,5 được xem là đã mắc bệnh.

6. Phép thử di truyền

Thử di truyền (Genetic Test) là phép thử máu để phát hiện các đột biến của gen KIF6 và APOE, đây là 2 biến thể gen mà người ta tình nghi bị bệnh tim mạch rất tiềm ẩn. Những người trên 40 tuổi trở ra nên đi làm xét nghiệm này. Theo nghiên cứu gần đây cho biết, nếu có biến thể gen KIF6 thì việc điều trị bằng Statin có hiệu quả, giảm tới 41% rủi ro mắc bệnh tim so với những người không có gen này. Nhưng nếu mang gen APOE thì thay đổi lối sống, ăn uống, đặc biệt là dùng thực đơn giàu mỡ bão hòa mức thấp sẽ có tác dụng ngoài ra kết hợp ăn uống khoa học và dùng thuốc giảm mỡ máu cũng có tác dụng tích cực.

7. Phép siêu âm tim gắng sức

Siêu âm tim gắng sức (Stress Echocardiography) là phép thử quan trọng để đánh giá lưu lượng máu đi tới các ngăn tim trước và sau khi luyện tập, đồng thời để kiểm tra mức độ tắc nghẽn động mạch cung cấp máu tới cho tim. Độ chính xác của kỹ thuật này là 85% đối với phụ nữ và giúp bác sĩ biết sớm mức độ mắc bệnh để có phác đồ điều trị thích hợp như dùng thuốc hay stent. Bất kể tuổi tác, nếu có các dấu hiệu mắc bệnh tim như khó thở đau ngực, đau cổ thì nên làm phép siêu âm này.

KHẮC HÙNG

Theo Prevention – 9/2012

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.

Tin liên quan

Chế độ ăn đúng cách cho người Đái tháo đường

30/07/2024
Chế độ ăn kiêng cần được điều chỉnh theo từng bệnh nhân và theo mục tiêu điều trị của bác sĩ.

Tiền đái tháo đường – Nguy cơ và cách phòng tránh

03/05/2024
Làm thế nào để phát hiện tiền ĐTĐ, làm cách nào để phòng chống, có thể điều trị được không?

Tăng đường huyết sau ăn và nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường

03/05/2024
Chỉ số đường huyết (ĐH) sau ăn tăng vọt là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch hàng đầu. Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định rằng, kiểm soát chỉ số ĐH sau ăn bình thường và ổn ...