– Tỉ lệ THA ở người có tuổi tăng không có nghĩa là sự tiến triển sinh lý bình thường theo lứa tuổi.
– Người cao tuổi thường đi kèm theo một số bệnh lý mạn tính khác (như bệnh phổi mạn tính, bệnh khớp, sa sút trí tuệ…) nên việc điều trị cần một số chú ý đặc biệt.
– Người cao tuổi rất dễ bị biến chứng tụt huyết áp khi đứng (tức là huyết áp đo được khi đứng thấp hơn đáng kể khi ngôi hoặc đã gây những cơn choáng/ngất khi đứng dậy đột ngột). Đây cũng là môt điêm cần lưu ý khi điều trị bởi các thuốc hạ huyết áp đều có thể có nguy cơ gây tụt huyết áp khi đứng.
Ở người cao tuổi thường có tăng trở kháng mạch máu, giảm nồng độ renin huyết thanh (một chất nội tiết, có ảnh hưởng đến THA), tỉ lệ phì đại tâm thất trái tăng… làm quá trình điều trị đôi khi khó khăn.
Người cao tuổi rất dễ bị mặc cảm bản thân hoặc có những rối loạn về tâm sinh lý nên việc nhận thức hoặc tuân thủ điều trị có thể khó khăn theo hướng hoặc chủ quan hoặc “cẩn thận” quá mức.
Phòng bệnh và điều trị
Hầu hết THA ở người cao tuổi là THA “vô căn”, tức là không có nguyên nhân gây ra THA. Do vậy, việc điều trị THA ở người cao tuổi cũng cần được thực hiện liên tục, phối hợp chế độ sinh hoạt khỏe mạnh và thuốc điều trị nếu cần. Một số THA là do nguyên nhân bệnh lý về thận hoặc nội tiết, mạch máu… Khi phát hiện nguyên nhân này cần điều trị triệt để.
THA ở người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề sinh lý bệnh đi kèm và đặc điểm riêng biệt, do vậy việc điều trị THA ở người cao tuổi cần hết sức thận trọng, tỉ mỉ và khéo léo. Việc tôn trọng chế độ sinh hoạt, ăn uống mạnh khỏe là điều tối quan trọng. Bên cạnh đó, khi có chỉ định dùng thuốc thì cần tôn trọng đầy đủ và theo nguyên tắc, không được hạ huyết áp một cách thô bạo, đột ngột có thể dẫn tới các biến chứng tụt huyết áp nguy hại, nhất là tụt huyết áp thế đứng.
Chế độ ăn uống khỏe mạnh: ăn nhiều rau quả, khẩu phần ăn ít thực phẩm béo đặc biệt chất béo bão hòa (mỡ động vật), cholesterol; ăn nhiều ngũ cốc chế biến thô, ăn nhiều cá, thịt gia cầm nạc, các hajtl ăn giảm chất, thịt đỏ, giảm ngọt.
Ăn giảm mặn, sao cho ít hơn 6g muối ăn trong một ngày. Duy trì một cân nặng lý tưởng. Tập thể lực hàng ngày (ít nhất 1 giờ), nên tập loại hình thể dục vừa phải như đi bộ nhanh theo khả năng. Uống rượu vừa phải: không quá một đơn vị uống với nữ và 2 đơn vị uống với nam giới một ngày (một đơn vị uống tương đương với khoảng 142ml rượu vang đỏ). Không hút thuốc lá (thuốc lào).
Lưu ý khi dùng các thuốc chữa tăng huyết áp
Tuy nhiên khi phải dùng thuốc ở người cao tuổi cần lưu ý một số điểm sau:
Chú ý các bệnh đi kèm và các chống chỉ định của các thuốc (ví dụ: khi có bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn thì cần cảnh giác với thuốc chẹn bê ta giao cảm).
Chú ý sự tương tác với các thuốc đi kèm.
Liều dùng bắt đầu thấp và tăng từ từ theo khả năng chịu đựng của bệnh nhân.
Chú ý điều chỉnh liều thuốc theo chức năng thận, gan của bệnh nhân. Nên dùng thuốc càng đơn giản càng tốt (loại dùng một lần trong ngày, loại viên kết hợp nếu cần…), tránh sự quên thuốc hoặc quá liều đối với bệnh nhân cao tuổi. Dùng thuốc nào là do thầy thuốc quyết định, nhưng ở người cao tuổi các thuốc nhóm sau thường được dùng: lợi tiểu, thuốc chẹn kênh calci loại tác dụng kéo dài, thuốc ức chế men chuyển… vì các nghiên cứu cho thấy lợi ích bảo vệ của thuốc các nhóm với người cao tuổi. Việc dùng thuốc là lâu dài (suốt đời), không bao giờ được ngưng thuốc đột hoặc dừng thuốc khi không có ý kiến của thầy thuốc.
Mục tiêu cần đưa con số huyết áp về dưới 140/90mmHg (nếu không có chỉ định đặc biệt khác), tuy vậy ở những người rất cao tuổi (>85 tuổi), việc hạ huyết áp là cần từ từ và từng bước với con số huyết áp ban đầu có thể cao hơn đôi chút, và ở mức bệnh nhân có thể chịu đựng được. Hãy luôn chi chép lại những khó chịu hoặc những bất thường khi dùng thuốc để báo lại cho thầy thuốc.
PGS.TS. PHẠM MẠNH HÙNG (Theo SK&ĐS)