Ngăn ngừa ngộ độc Carbon monoxide (CO) trong cộng đồng

Ngăn ngừa ngộ độc Carbon monoxide (CO) trong cộng đồng

Ngày cập nhật: 02/05/2024

Carbon monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi, khuếch tán mạnh và không gây kích thích. Khí CO gây ngạt hệ thống, giảm khả năng vận chuyển oxy đến tế bào và ức chế co bóp cơ tim. Với nồng độ đủ cao trong không khí, CO có thể gây tử vong nhanh chóng cho người tiếp xúc. Ngoài ra, nó có thể để lại di chứng thần kinh – tâm thần nặng nề. Đối với người cao tuổi, người có bệnh lí tim mạch, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai, nguy cơ bị ngộ độc cũng cao hơn. Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC), hàng năm tại Mỹ có ít nhất 430 người chết do ngộ độc khí CO và khoảng 50.000 người phải cấp cứu do hít phải khí này.

 CO là sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon, được tìm thấy trong khói của máy phát điện, bếp lò, bếp sưởi và các loại thiết bị khác chạy bằng khí gas hoặc than củi. Trong thời tiết lạnh giá, các gia đình có xu hướng sử dụng các thiết bị này trong phòng kín khiến khí CO tích tụ gây độc cho con người và động vật.

Làm thế nào để nhận biết ngộ độc CO?

  • Triệu chứng cơ năng: Các triệu chứng khởi đầu thường không đặc hiệu như đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ, rối loạn hành vi… Những người sử dụng rượu hoặc các thuốc an thần có thể chết trước khi xuất hiện các triệu chứng trên.
  • Thần kinh: nhiễm độc nặng có thể gây hôn mê, co giật, tăng trương lực cơ, xuất huyết võng mạc và có các dấu hiệu ngoại tháp. Một số bệnh nhân hôn mê có thể hồi phục nhanh chóng, một số khác có thể hồi phục không hoàn toàn và để lại các di chứng thần kinh – tâm thần như tăng trương lực cơ, Parkinson, giảm trí nhớ, giảm tập trung, rối loạn vận động…
  • Tim mạch: loạn nhịp tim (chiếm 5 – 6%), có thể kèm theo tụt huyết áp, phù phổi cấp. Người có tiền sử tim mạch có thể có đau ngực, nhồi máu cơ tim. Điện tim có thay đổi T, ST, thiếu máu cơ tim và loạn nhịp tim.
  • Tổn thương cơ: CK (creatin kinase) tăng, thoát dịch khoảng kẽ, giảm thể tích lòng mạch, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.

Làm thế nào để giảm thiểu khí CO sinh ra?

  • Sử dụng máy dò khí CO ở các khu công nghiệp và trong gia đình nếu bạn thường xuyên sử dụng các thiết bị chạy bằng khí gas hoặc than củi. Thường xuyên thay pin máy dò ít nhất 6 tháng/lần.
  • Không chạy máy phát điện, máy nén hoặc bất kỳ các động cơ chạy bằng xăng nào trong tầng hầm, gara hoặc trong phòng kín, ngay cả khi có cửa sổ mở. Chỉ được sử dụng khi thiết bị được lắp đặt đúng tiêu chuẩn và có hệ thống thông hơi. Giữ cho hệ thống thông hơi hoạt động tốt, không có các vật cản chặn đường thông gió.
  • Không chạy ô tô, xe máy, máy phát điện hoặc bất kì động cơ chạy bằng xăng nào cạnh cửa, cửa sổ mở hoặc bất kể khu vực nào có thể xả khí thải vào phòng kín.
  • Hạn chế sử dụng lò nướng than, bếp gas và thay thế bằng bếp điện trong gia đình.
  • Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện người bị ngộ độc khí CO, mang nạn nhân đến nơi thoáng khí và gọi cấp cứu ngay lập tức.

Ngộ độc CO là hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Hãy bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách nâng cao kiến thức của bản thân và phổ biến rộng rãi cho người thân, bạn bè của mình.                                                                Theo: https://www.cdc.gov
                                                                         http://benhnoikhoa.com

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.

Tin liên quan

Chế độ ăn đúng cách cho người Đái tháo đường

30/07/2024
Chế độ ăn kiêng cần được điều chỉnh theo từng bệnh nhân và theo mục tiêu điều trị của bác sĩ.

Tiền đái tháo đường – Nguy cơ và cách phòng tránh

03/05/2024
Làm thế nào để phát hiện tiền ĐTĐ, làm cách nào để phòng chống, có thể điều trị được không?

Tăng đường huyết sau ăn và nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường

03/05/2024
Chỉ số đường huyết (ĐH) sau ăn tăng vọt là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch hàng đầu. Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định rằng, kiểm soát chỉ số ĐH sau ăn bình thường và ổn ...