Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Thị Hải Chuyền – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội , Trưởng Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ – PCCN lần thứ 14; Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bùi Hồng Lĩnh – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Nguyễn Thành Trí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công An, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam; đại diện một số tổ chức quốc tế; các Sở, ban ngành, các đơn vị, doanh nghiệp cùng với trên 5000 ngươi lao động.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ – PCCN Trung ương, trong năm 2011, cả nước đã xảy ra gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm 6.154 người bị nạn ( tăng 16%), trong đó có 574 người chết (giảm 4,5%). Tần suất tai nạn lao động đã giảm. Thiệt hại về vật chất hơn 300 tỷ đồng và làm mất trên 660 nghìn ngày công lao động. Tai nạn lao động đang xảy ra nhiều và nghiêm trọng trong các lĩnh vực: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí, xây lắp… tập trung tại các địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh…
Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn lao động trong thời gian qua chủ yếu là do yếu tố chủ quan của con người (chiếm trên 60%), trong đó: về phía người sử dụng lao động, đã không huấn luyện đầy đủ; thiếu quy trình, biện pháp an toàn lao động; tổ chức lao động không phù hợp, thiết bị sản xuất không đảm bảo an toàn và không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động. Ngoài ra, về phía người lao động, còn vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị.
Bên cạnh đó, về môi trường lao động, trong năm đã có 30.000 cơ sở sản xuất được đo kiểm tra môi trường lao động, với gần 500.000 mẫu đo. Trong đó, có 11% số mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, phần lớn là các yếu tố bụi, rung và điện trường.
Về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động: có 1.800 doanh nghiệp đã tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho trên 60.500 trường hợp, trong đó có 3.557 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp. Tính đến hết năm 2011, cả nước đang có trên 27.000 người mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Trong đó, có hơn 75,4% trường hợp mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp.
Cùng với đó, là tình hình cháy nổ cũng diễn biến phức tạp, tính đến nay cả nước đã xẩy ra 1.764 vụ cháy, 25 vụ nổ, làm chết 84 người và 245 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 925 tỷ đồng và 2000 héc ta rừng. Nguyên nhân là do lỗi chủ quan của con người chiếm gần 30%, 40% lỗi do sự cố kỹ thuật. So với năm 2010, số vụ cháy tuy có giảm, song số người chết và thiệt hại lại gia tăng trong các vụ cháy.
Mặc dù, đã đạt được những kết quả trong năm qua, song việc giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp có báo cáo về tại nạn lao động rất hạn chế (dưới 5%); mới chỉ có 30 tỉnh, thành, ngành tiến hành khám 19 trong tổng số 28 loại bệnh nghề nghiệp cho 1.800 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Do đó, các số liệu thống kê chưa phản ảnh đúng thực tế tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ cũng như những tổn thất về sức khỏe, tính mạng, tài sản, vật chất mà người lao động, các doanh nghiệp và xã hội phải gánh chịu.
Ngoài các nguyên nhân do người sử dụng lao động, người lao động chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Các vụ tại nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng, điển hình như: Vụ sạt lở đá tại Mỏ đá Lèn Cờ ( Nghệ An) làm 18 người chết, 6 người bị thương; vụ cháy xưởng may tại An Lão ( Hải Phòng) làm 13 ngườu chết, 25 người bị thương và mới đấy nhất là vụ cháy Chợ Quảng Ngãi đã cho thấy những bất cập, yếu kém, thái độ chủ quan của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nhân dịp này, có 3 các đơn vị, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 06 đơn vị, doanh nghiệp được nhận Cờ thi đưa xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, vì đã có nhiều thành tích trong công tác ATVSLĐ – PCCN. Dịp này, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh – Phó trưởng Ban Chỉ đạo thường trực Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN Trung ương đã trao cơ luân lưu cho lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đăng cai tổ chức Tuần lễ Quốc gia lần thứ 15.
Chiều 18.3, GS-TS Lê Vân Trình – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu KHKT&BHLĐ – đã thay mặt Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN T.Ư và Tổng LĐLĐVN, trực tiếp đến thăm và tặng quà 4 CNLĐ bị TNLĐ mất sức từ 81% trở lên, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng. Trước đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cùng Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tấn Kiệt đã tới thăm tặng quà 4 CNLĐ khác cũng bị TNLĐ từ 81% trở lên.
Theo: http://www.congdoanvn.org.vn