Trước hết người bệnh cần ăn các thực phẩm có chất xơ hòa tan. Là một phần của chế độ ăn ít béo, chất xơ hòa tan giúp giảm nồng độ cholesterol toàn phần trong máu. Các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm thức ăn ít tinh bột như: cám yến mạch, cám gạo, lúa mạch; các loại rau xanh như: đậu đỗ, đậu Hà Lan, bông cải xanh, cà chua, hành, tỏi,…; các loại quả chuối, quả việt quất, đu đủ, cam quýt, dâu tây và cùi quả táo, …
Người bệnh cũng nên ăn nhiều cá, một số loại cá – đặc biệt là cá béo hay sống ở nước lạnh như cá hồi, cá thu và cá trích – chứa lượng lớn chất béo không bão hòa đa là axít omega-3. Omega-3 làm giảm nồng độ triglycerid. Cần ăn thêm các sản phẩm từ đậu nành như: đậu phụ, sữa đậu nành, giá đậu… vì các hợp chất từ đậu nành isoflavon tác động như hormon kiểm soát nồng độ cholesterol. Ăn protein đậu nành làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần, cholesterol LDL và tăng nồng độ cholesterol HDL. Ngoài ra, kiểm soát chất béo toàn phần. Để xác định chính xác lượng chất béo toàn phần hoặc chất béo bão hòa trong ngày cần dựa vào cân nặng và mức độ hoạt động để bổ sung cho hợp lý. Ví dụ, bạn là nam giới, cân nặng 68kg và mức hoạt động trung bình thì nên ăn khoảng 25g chất béo toàn phần hoặc 8g chất béo bão hòa/ngày, gạo, khoai, ngũ cốc khác tối đa 3 bát cơm/ngày. Cá và các sản phẩm đậu nành, rau quả (500 – 600g/ngày, chọn loại ít ngọt). Tương đương năng lượng cung cấp nên dưới 1.800 Kcalo/ngày. Thực phẩm có thể dùng là các loại rau, củ: Rau cải, rau muống, rau giền, dưa leo, dưa gang, mồng tơi, rau đay, bí xanh, bí đỏ, mướp, giá đỗ, măng, cà rốt, su hào, su su… Các loại hoa quả ít ngọt: Mận, bưởi, đào, cam, quýt, lê, táo, thanh long, dưa hấu. Thịt bò, thịt lợn nạc, thịt gà (bỏ da), cá ít mỡ.
Đối với các thức ăn cần hạn chế cholesterol trong chế độ ăn nhằm mục đích giới hạn mức cholesterol trong chế độ ăn hàng ngày là 200mg. Để đạt được mục tiêu này, hạn chế hoặc tránh nguồn thực phẩm cô đặc như nội tạng động vật (óc, tim, gan, thận, dạ dày, dồi lợn), lòng đỏ trứng và sữa nguyên kem.
Người bệnh không uống rượu, nếu uống nên hạn chế 1 ngày uống 1 chén nhỏ. Giảm ăn đường, tuyệt đối không ăn các loại đồ ăn nhanh như các món rán, chiên nhiều mỡ làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể lên nhanh chóng vì thế hãy tránh xa các loại đồ ăn này.
Nồng độ cholesterol cao không được phát hiện là một nguyên nhân quan trọng gây đau tim ở nhiều người và khi mức cholesterol và triglycerid (một loại chất béo khác) tăng quá cao trong máu, nguy cơ bị các mảng chất béo có chứa cholesterol trong máu tăng lên. Dần dần, mảng bám làm hẹp động mạch, ngăn cản dòng máu và gây bệnh xơ vữa động mạch, có thể làm tăng nguy cơ bị cơn đau tim, đột quỵ, đau khi vận động hoặc thậm chí hoại tử.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng
Theo Báo SK&ĐS