Cơ chế điều hoà thân nhiệt
Trong điều kiện bình thường thân nhiệt của con người không thay đổi theo nhiệt độ bên ngoài, thân nhiệt ổn định nghĩa là quá trình thu và toả nhiệt hoàn toàn ngang nhau. Như vậy cơ thể không tích trữ nhiệt và cũng không toả nhiều nhiệt lượng, tức là cơ thể không nóng cũng không lạnh.
Mọi cơ chế sinh lý học đảm bảo cho sự trao đổi nhiệt lượng giữa cơ thể và ngoại cảnh được tiến hành thuận lợi, duy trì đều nhiệt độ của cơ thể, không bị nhiệt độ bên ngoài chi phối gọi là điều hoà thân nhiệt. Quá trình điều hoà thân nhiệt được thực hiện bởi sự chỉ huy của trung tâm điều hoà thân nhiệt nằm ở vùng dưới đồi. Do sự điều hoà có ảnh hưởng của nhiều yếu tố môi trường nên cơ thể có 2 cách điều hoà thân nhiệt là điều hoà vật lý (toả nhiệt) và điều hoà hóa học (tăng sinh và giảm sinh nhiệt) tuỳ thuộc vào các hoàn cảnh khácnhau.
Điều hoà vật lý
+ Điều hoà vật lý phụ thuộc nhiều vào da. Da ướt dễ truyền nhiệt hơn da khô. Ở nhiệt độ không khí thấp, độ ẩm cao người ta thấy khó chịu hơn khi độ ẩm thấp. Ngoài ra, không khí ẩm làm tăng sức dẫn nhiệt của quần áo.
+ Sự chuyển động của không khí là một yếu tố quan trọng trong việc điều hoà thân nhiệt:
+ Khi nhiệt độ không khí thấp hơn nhiệt độ da, sự đối lưu của không khí sẽ không ngừng đưa đến không khí mới và mát. Lúc đó luồng không khí làm tăng toả nhiệt bằng truyền dẫn. Ngoài ra lượng hơi nước lưu động thường xuyên trong không khí dưới mặt trong quần áo, do đó có thể làm tăng toả nhiệt bằng bốc hơi.
+ Trong trường hợp nhiệt độ không khí và nhiệt độ da chênh lệch nhau rất ít và lao động chân tay nặng, thì sự lưu thông của không khí lại càng quan trọng (vì truyền dẫn và bức xạ giảm nhiều).
+ Khi nhiệt độ không khí cao hơn nhiệt độ da, sự lưu động của không khí sẽ làm cho da tăng nóng và làm tăng thân nhiệt, do đó ảnh hưởng không tốt đến việc điều hoà thân nhiệt. Nhưng khi nhiệt độ cao, độ ẩm tương đối thấp có thể hút nhiều hơi nước sẽ giúp việc toả nhiệt bằng bốc hơi dễ dàng.
Theo Rubner, tốc độ 0,3m/giây của không khí lưu động bắt đầu có ảnh hưởng đối với việc điều hoà thân nhiệt và cảm giác chủ quan. Theo Macsac với tốc độ 0,03m/giây của không khí lưu động mà ta chưa cảm nhận thấy đã có thể làm cho nhiệt độ da giảm.
Gần đây, người ta lợi dụng sự lưu động của không khí để cải thiện điều kiện lao động trong buồng máy như tắm không khí với tốc độ 1 – 5m/giây.
Điều hoà hóa học (tăng và giảm sinh nhiệt).
Khi nhiệt độ không khí tăng, việc sinh nhiệt sẽ giảm, trái lại khi nhiệt độ không khí giảm thì việc sinh thân nhiệt tăng. Sự biến đổi đó có liên quan với cường độ của chuyển hóa tế bào và chịu ảnh hưởng của các tuyến nội tiết (tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy và gan) cũng như quá trình oxy hóa trong cơ. Sự phân phối lại máu ở nội tạng và xung quanh có một tác dụng nhất định.
Nhiệt độ không khí thấp sẽ làm co mạch ngoại vi. Khi nhiệt độ thấp, sự sinh nhiệt sẽ tăng nhiều, biểu hiện là chuyển hóa oxy tăng mạnh. Khi nhiệt độ cao, tác dụng điều hoà của sinh nhiệt sẽ vô ích, lúc đó chỉ cơ chế toả nhiệt là có tác dụng.
Hiện tượng chuyển hóa tăng lúc nhiệt độ thấp và chuyển hóa hơi giảm lúc nhiệt độ cao là cơ chế thích ứng có ích cho con người. Trái lại, khi nhiệt độ cao, nếu toả nhiệt giảm và chuyển hóa tăng là cơ chế điều hoà thân nhiệt bị trở ngại và có thể đưa đến trạng thái tích nhiệt.
Trong điều hoà thân nhiệt, trung tâm dưới vỏ não như hạch xám, và thể vân đóng vai trò chính. Ngoài ra, vỏ bán cầu đại não cũng đóng một vai trò quan trọng. Khi ám thị là lạnh, thì chuyển hóa tăng, khi ám thị là nóng thì chuyển hóa giảm. Sự điều hoà thân nhiệt (tức là thay đổi hình thức toả nhiệt và sinh nhiệt) còn mang theo tính chất phản xạ có điều kiện, nhưng nếu chịu ảnh hưởng của kích thích có điều kiện, đã quen thuộc, thì cơ chế điều hoà thân nhiệt vẫn tác dụng. Trong trường hợp này, ảnh hưởng của nhiệt độ thực tế đối với sự điều hoà thân nhiệt có kém hơn ảnh hưởng của phản xạ có điều kiện do một nhiệt độ khác trong cùng hoàn cảnh ấy gây nên.
Phạm vi điều hoà thân nhiệt và sự thích ứng.
Quá trình điều hoà thân nhiệt bảo đảm toả và sinh nhiệt được thăng bằng cho nên thân nhiệt được duy trì đều đặn, nhưng sự điều hoà thân nhiệt cũng có giới hạn. Giới hạn điều hoà thân nhiệt của con người ở trạng thái yên tĩnh là: độ ẩm tương đối 65% – nhiệt độ 300C – 360C và độ ẩm tương đối 30% – nhiệt độ 400C (Marchak).
Các hình thức điều hoà vật lý (toả nhiệt)
+ Nhiệt lượng thay đổi do chuyển hóa năng lượng toả ra chỉ được điều hoà theo phương thức hóa học trong một phạm vi rất nhỏ còn điều hoà vật lý (hình thức toả nhiệt) mới là cơ bản trong lao động nóng. Các hình thức toả nhiệt bao gồm: dẫn truyền, đối lưu, bức xạ, nước bốc hơi qua da, phổi và niêm mạc đường hô hấp.
+ Người ta cảm thấy dễ chịu khi trong tổng số nhiệt lượng thừa do cơ thể toả ra, 30% toả theo cách dẫn truyền và đối lưu, 45% theo cách bức xạ và 25% theo hơi nước, 3 – 5% trong số nhiệt toả ra dùng để làm nóng không khí hít vào và các thức ăn, uống.
+ Nên chú ý tới lớp không khí khi tiếp xúc với thân thể mặt trong quần áo và lớp không khí tiếp xúc với mặt ngoài quần áo nhiệt độ ở đây thường cao hơn nhiệt độ không khí (nhất là khi nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ da).
Bức xạ nhiệt và tác dụng của bức xạ nhiệt
Nhiệt độ của tường, sân nhà, bề mặt thiết bị, nguyên liệu, thành phẩm… đều có liên quan với toả nhiệt theo cách bức xạ và chỉ khi nào nhiệt độ xung quanh cao hơn nhiệt độ cơ thể, cơ thể mới không toả nhiệt theo cách bức xạ. Khi đánh giá ý nghĩa của các nguồn bức xạ cần xét đến mức độ xuyên thấu của các tia ở trong tổ chức và mức độ hấp thu tia của tổ chức. Đối với da người tia hồng ngoại sóng ngắn, tử ngoại và tia thấy được có sức xuyên thấu mạnh. Như vậy khi đánh giá tác dụng của bức xạ nhiệt trong sản xuất đối với cơ thể thì phải xét không những cường độ của bức xạ mà còn cả thành phần quang phổ của bức xạ.
Hình thức đối lưu và dẫn truyền
Hình thức này thường do gió và tiếp xúc cơ thể làm giảm nhiệt cho cơ thể chúng ta khi nhiệt độ môi trường lao động thấp và ngược lại.
Tác dụng của sự bay hơi và độ ẩm.
+ Nước bay hơi qua mặt ngoài da và phế bào để điều hoà thân nhiệt, cứ 1 gam hơi nước bay hơi qua da sẽ thu 0,58 kem nhiệt lượng. Khi lao động chân tay lượng không khí qua phổi tăng làm cho nhiệt lượng toả qua phổi cũng tăng, khi nhiệt độ không khí cao cũng có hiện tượng như trên ở mặt ngoài da; hơi nước không ngừng bốc ra do kết quả hoạt động của các tuyến mồ hôi, ở nhiệt độ bình thường nếu lao động chân tay nặng thì số nước bốc hơi qua da trung bình là 600 ml/ngày đêm số nhiệt toả theo hơi nước là 14,55 – 22,50 calo/giờ, như vậy ở điều kiện khí tượng bình thường nhiệt lượng toả theo hơi nước là 350 – 550 calo/ngày đêm.
+ Khi nhiệt độ không khí tăng thì mồ hôi chảy ra cũng tăng, nguyên nhân là do đoạn cùng thần kinh cảm giác trong da bị nhiệt kích thích, đồng thời trung tâm tiết mồ hôi ở tuỷ sống và dưới vỏ não cũng bị kích thích trực tiếp và gây tiết mồ hôi do phản xạ.
+ Trong trường hợp nhiệt độ không khí cao hơn nhiệt độ da thì việc toả nhiệt bằng truyền dẫn và bức xạ hầu như hoàn toàn đình chỉ thậm chí ngược lại (Vì các vật thể xung quanh cũng đã có một nhiệt độ tương đương) lúc đó việc toả nhiệt chỉ dựa vào cách ra mồ hôi. Trong điều kiện đó độ ẩm tương đối của không khí càng cao thì toả nhiệt càng khó, cơ thể càng chóng tích nhiệt và bị quá nóng.
Nhiệt độ của da có liên quan tới quá trình điều hoà thân nhiệt và sự thăng bằng nhiệt lượng toàn thân, đồng thời là chỉ số sinh lý học chịu ảnh hưởng của điều kiện khí tượng bên ngoài. Nhiệt độ của da (khi cảm giác của thân thể tốt) không vượt qua 31 – 330C ở đầu ngón tay và 30,5 – 320C ở trán. Khi con người ở trạng thái yên tĩnh và làm việc nhẹ, nhiệt độ của da ngực là 31 – 33,50C.
Khi việc điều hoà thân nhiệt bị trở ngại thì thân nhiệt tăng, nói ngược lại, nếu thân nhiệt tăng rõ rệt, tức là cơ quan điều hoà thân nhiệt bị trở ngại. Vì vậy dù thân nhiệt chỉ hơi tăng (0,3 – 10C) trong khi làm việc cũng phải đặc biệt chú ý.
Điều kiện vi khí hậu càng ít xấu, cơ làm việc càng nhẹ, thì thân nhiệt đã tăng càng chóng trở lại bình thường (sau 5 – 30 phút). Thời gian thân nhiệt trở lại bình thường nhanh hay chậm còn tuỳ theo điều kiện toả nhiệt ở nơi nghỉ của công nhân. Thí dụ, công nhân làm ở lò luyện kim. Khi nhiệt độ nơi nghỉ là 25 – 300C. Và không khí lưu động rất ít thì sau 15 phút, thân nhiệt mới bắt đầu trở lại bình thường, nhưng nếu nhiệt độ là 20 – 240C. Và tốc độ chuyển động không khí là 1,5 – 2,0 m/giây thì chỉ sau 5 – 10 phút nhiệt độ đã trở lại bìnhthường.
Lao động trong môi trường nóng dù làm việc nhẹ hay nặng lượng oxy tiêu thụ cũng nhiều hơn. Căn cứ vào tình hình chuyển hóa oxy khi nhiệt độ cao, có thể kết luận được tình trạng sức khỏe môi trường. Cần phải tính mức chuyển hóa oxy trong từng điều kiện lao động để đánh giá tình trạng vệ sinh lao động và sức chịu đựng của công nhân.
Khi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, chỉ số chuyển hóa hô hấp cũng khôi phục chậm hơn lúc bình thường.
Công nhân làm việc ở điều kiện nhiệt độ cao, có thể mất rất nhiều mồ hôi, nên thường phải uống nhiều nước. Bình thường một ngày đêm một người có thể tiết ra 500 – 1000 ml mồ hôi. Sau một ngày làm việc một công nhân có thể bị sút cân (0,3 – 3 kg) nhưng trong thời gian nghỉ giải lao, cân nặng sẽ trở lại bình thường vì được uống nhiều nước.
Mồ hôi ra nhiều sẽ làm mất nhiều muối (trong mồ hôi có 0,1 – 0,5% Nacl) và một số chất hữu cơ. Cơ thể sẽ dễ bị thiếu muối vì số muối mất đi theo mồ hôi trong một ngày tối đa có thể tới 30 – 40g mà trong thức ăn hàng ngày chỉ cung cấp khoảng 10 – 20g muối.
– Tỷ lệ huyết sắc tố và hồng cầu tăng, máu quánh lại do mồ hôi chảy nhiều. Làm việc càng nặng, máu càng chóng cô đặc.
– Nhiệt độ cao làm trở ngại việc chuyển hóa nước, cô đặc máu và tác động trực tiếp lên cơ tim, cho nên hệ tim mạch có các phản ứng quan trọng.
+ Khi không cần điều hoà thân nhiệt đặc biệt, thì mạch không thay đổi rõ rệt, nhưng nếu cần điều hoà đặc biệt thì mạch sẽ tăng rất nhanh. Lúc đó huyết áp thường giảm thấp vì sức căng của huyết quản cùng giảm.
+ Khi việc điều hoà thân nhiệt bị rối loạn nghiêm trọng thì hoạt động của tim cũng sẽ bị rối loạn rõ rệt. Tim co bóp rất nhiều (200 lần mỗi phút) nhưng rất yếu ở những người mắc bệnh tim mạch, hiện tượng đó lại càng nghiêm trọng.
+ Khi làm việc nặng ở nhiệt độ cao, nhu cầu oxy của các cơ quan tăng nhanh chóng làm cho mạch đập nhanh hơn từ đó dẫn đến huyết áp có thể tăng bởi vì lượng máu đẩy ra mỗi phút tăng.
Những điều đó chứng tỏ rằng khi làm việc trong buồng máy nóng, yêu cầu đối với hệ tim mạch rất cao, các bệnh tim mạch (viêm cơ tim, mạch xơ cứng) tương đối phổ biến.
Trong điều kiện bình thường, thận bài tiết 50 – 75% tổng số nước cần bài tiết của cơ thể. Ở điều kiện nhiệt độ cao, việc tiết dịch của cơ thể căn bản nhờ vào sự bài tiết qua tuyến mồ hôi. Lúc đó, thận chỉ bài tiết 10 – 15% tổng số nước mà cơ thể sẽ bài tiết. Đó là một hiện tượng thích nghi của tổ chức và chức phận của thận. Công nhân làm việc ở các phân xưởng nóng cũng có thể mắc bệnh thận thiểu năng; trong cặn nước tiểu có hồng cầu và trụ hình. Trong các đợt khám sức khỏe thường kỳ, cần kiểm tra thành phần bệnh lý trong nước tiểu để phát hiện những công nhân mẫn cảm với nhiệt độ cao.
Đường tiêu hóa
Trong lao động nóng khi phân phối lại máu sẽ làm các cơ quan nội tạng thiếu máu và mất cân bằng muối khoáng, thường gây ảnh hưởng đến chức phận của cơ quan tiêu hóa và có khi gây nên các hội chứng bệnh lý. Những công nhân làm việc trong buồng máy nóng phải uống nhiều nước cho nên dịch vị lỏng, đồng thời tuyến dạ dày bị ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ cao; đường tiêu hóa lại thiếu máu do trái phân phối máu, nên độ acid của dịch vị sẽ giảm, lượng niêm dịch tăng, tiêu hóa kém và có khi chức phận vận động của đường tiêu hóa bị trở ngại, dạ dày phình giãn. Những yếu tố làm cho công nhân trong buồng máy nóng hay bị viêm dạ dày, ruột, (tỷ lệ cấp diễn cao hơn trung bình 40%, mạn tính cao hơn 22,5%).
Hệ thần kinh trung ương
Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến chức phận của thần kinh cao cấp, làm tăng thời trị vận động và thời trị cảm giác, đồng thời có thể làm rối loạn chức phận điều hoà của máu và dịch não tuỷ.
( Trích dẫn tài liệu: Sức khỏe nghề nghiệp-PGS.TS Đỗ Văn Hàm)