Ngày cập nhật: 02/05/2024
Viêm gan virus (VGVR) là bệnh nhiễm trùng có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp. Đó là công nhận của Liên Bộ Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về căn bệnh này vì tỷ lệ mang kháng thể HBsAg nói chung của nhân viên y tế cao hơn gấp 3-5 lần so với người dân bình thường. Khoảng 17,6% nhân viên y tế có thể bị nhiễm virus gây ra bệnh viêm gan B. Với khả năng sống lâu nhiều tháng trong vết máu khô, virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm gấp từ 50-100 lần so với HIV. Nhóm có nguy cơ cao bao gồm: nhân viên phòng xét nghiệm, nha sĩ, nhân viên làm công tác cấp cứu, nhân viên xử lý rác thải, nhân viên ướp xác, bộ đội, công an … Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tổng số 35 triệu nhân viên y tế trên thế giới, mỗi năm, 2 triệu người tiếp xúc qua da với bệnh truyền nhiễm. Trong đó, khoảng 40% bị phơi nhiễm viêm gan B, 40% phơi nhiễm viêm gan C, 2,5% phơi nhiễm HIV do tổn thương vì kim đâm.
Nhóm người thường xuyên phải tiếp xúc do tính chất nghề nghiệp với người bệnh VGVR bệnh phẩm máu và các vật phẩm ô nhiễm … mắc các hội chứng:
Viêm gan là một bệnh nhiễm trùng do virus xâm nhập vào gan và có thể gây ra bệnh viêm gan cấp tính và mạn tính. Virus được lây truyền thông qua việc tiếp xúc với máu hoặc chất dịch của cơ thể người bị bệnh và không qua tiếp xúc thông thường. Bệnh gây nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan.
Đường truyền bệnh
Virus viêm gan B được truyền từ người này sang người khác qua vết thương, tổn thương da có tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể (tinh dịch và dịch tiết âm đạo) của người mắc bệnh. Phương thức lây truyền là giống phương thức lây truyền đối với virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) nhưng HBV có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 50 đến 100 lần. Không giống như HIV, HBV có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất tới 7 ngày. Trong thời gian đó, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu nó xâm nhập vào cơ thể của một người chưa bị mắc bệnh. Phương thức thông thường của đường truyền nhiễm ở các nước đang phát triển là: chu sinh (từ mẹ sang con lúc sinh); nhiễm virus ở trẻ em sớm (nhiễm virus không rõ ràng qua tiếp xúc thân mật cá nhân với các tiếp xúc với gia đình người mắc bệnh); qua thực hành tiêm không an toàn; qua truyền máu; qua quan hệ tình dục, HBV không lây truyền qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm và không lây truyền một cách ngẫu nhiên tại nơi làm việc. Thời kỳ ủ bệnh của virus trung bình là 90 ngày, nhưng có thể thay đổi trong khoảng 30 đến 180 ngày. HBV có thể được xác định từ 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm và có thể với thời kỳ lâu hơn.
Biểu hiện của bệnh
Virus viêm gan B có thể gây ra bệnh cấp tính với các hội chứng kéo dài khoảng vài tuần bao gồm vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, suy kiệt, buồn nôn, nôn mửa và đau bụng. Mọi người có thể phải mất vài tháng đến một năm mới khỏi các hội chứng này. HBV cũng có thể gây một nhiễm trùng gan mạn tính và sau này có thể phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Khoảng 90% người lớn khỏe mạnh bị nhiễm HBV sẽ hồi phục và hoàn toàn loại bỏ virus trong vòng sáu tháng. HBV là một nguy hại nghề nghiệp nhiễm trùng chính đối với nhân viên y tế.
Điều trị và phòng bệnh
Không có điều trị đặc hiệu với bệnh viêm gan B cấp tính. Việc chăm sóc nhằm duy trì sự thoải mái và cân bằng về dinh dưỡng đầy đủ, bao gồm bù lượng dịch bị mất qua nôn mửa và tiêu chảy. Viêm gan B mạn tính có thể được điều trị bằng thuốc, bao gồm sử dụng interferon và các thuốc kháng virus có thể giúp cho một số bệnh nhân. Tuy nhiên chi phí cho điều trị là rất cao và khả năng đáp ứng của thuốc còn hạn chế. Ung thư gan hầu như luôn gây tử vong và nó thường phát triển ở những người ở độ tuổi khi họ đang là lao động chính có nhiều trách nhiệm với gia đình và xã hội. Ở các nước đang phát triển, hầu hết người mắc bệnh ung thư gan tử vong trong vòng vài tháng khi có chẩn đoán.
Tại các nước có thu nhập cao hơn việc phẫu thuật và hóa trị liệu có thể kéo dài cuộc sống của một số bệnh nhân đến một vài năm. Bệnh nhân bị xơ gan đôi khi được ghép gan với thành công khác nhau. Tiêm chủng đầy đủ tạo ra mức kháng thể bảo vệ trên 95% ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người trẻ tuổi. Đối với người trên tuổi 40 thì các liều tiêm chủng ban đầu giảm xuống dưới 90%. Ở tuổi 60 tuổi, mức kháng thể bảo vệ đạt được chỉ từ 65% đến 75% trong số những người được tiêm chủng. Kháng thể bảo vệ kéo dài ít nhất 20 năm và bảo vệ suốt đời.
Tất cả trẻ em và thanh niên, thiếu niên dưới 18 tuổi và trước đây không được tiêm phòng thì nên được tiêm phòng. Những người trong nhóm nguy cơ cao cũng nên được tiêm phòng, bao gồm: những người có hành vi tình dục có nguy cơ cao; Bạn tình và tiếp xúc trong gia đình của người bị nhiễm HBV; tiêm chích ma túy; những người thường xuyên cần tiếp máu hoặc các sản phẩm máu; người nhận ghép tạng đặc; những người có nguy cơ nghề nghiệp với lây nhiễm HBV, bao gồm nhân viên y tế; và du khách quốc tế đến các nước có tỷ lệ HBV cao.
BS. Vũ Cường (Theo Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế )