Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp là tình trạng bệnh lý xảy ra do tác động, ảnh hưởng của hơi thủy ngân hoặc các hợp chất thủy ngân vô cơ lên cơ thể người tiếp xúc trong quá trình lao động, gây nên các rối loạn bệnh lý đặc trưng.
Thủy ngân (Hg) là một kim loại duy nhất ở thể lỏng trong điều kiện nhiệt độ và áp lực bình thường. Thủy ngân rất di động, màu trắng bạc, lóng lánh. Nhiệt độ nóng chảy là âm 40 độ C, độ sôi là 360 độ C, tỷ trọng là 13,6
Ở nước ta, số người tiếp xúc với thủy ngân ngày càng tăng, tuy không nhiều lắm. Cho đến nay, được đưa ra giám định mất khả năng lao động do nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp hầu như không đáng kể.
Từ năm 1976, nước ta đã công nhận bệnh nhiễm độc thủy ngân là bệnh nghề nghiệp được đền bù.
Những công việc, ngành nghề có nguy cơ mắc bệnh:
Các công việc khai thác, chế biến, sử dụng, thao tác, tiếp xúc … với thủy ngân, các hợp chất, hỗn hợp và sản phẩm có chứa thủy ngân như:
– Chưng cất, thu hồi thủy ngân.
– Chế tạo, sửa chữa các loại nhiệt kế, áp kế, bơm có thủy ngân…
– Sử dụng thủy ngân hoặc các hợp chất thủy ngân trong các cấu trúc điện, chủ yếu là:
+ Dùng bơm có thủy ngân chế tạo đèn thắp sáng, đèn vô tuyến, bóng X quang.
+ Chế tạo, sửa chữa các đèn có hơi thủy ngân, máy chỉnh lưu dòng điện.
– Chế tạo và sử dụng ngòi nổ bằng fuminat Hg.
– Kỹ nghệ đồ sứ, in hình, làm hoa nhân tạo…
– Xử lý bảo quản hạt giống và xử lý đất bằng Hg và các hợp chất Hg hữu cơ.
– Chế biến da bằng sử dụng muối Hg như tẩy da bằng nitrat natri acid Hg, ép lông…
– Mạ vàng, bạc, mạ thiếc, mạ đồng, tráng gương bằng Hg và muối Hg.
Triệu chứng lâm sàng:
Trong bệnh nhiễm độc thuỷ ngân nghề nghiệp, các triệu chứng nổi bật thuộc về tiêu hóa và thần kinh.
– Triệu chứng tiêu hóa xuất hiện trước như viêm loét lợi, niêm mạc, miệng, viêm họng.
– Triệu chứng thần kinh biểu hiện rõ hơn, điển hình hơn như:
+ Run cố ý: Giống như ở người bị bệnh sơ cứng nhiều vùng, nhiều vị trí.
+ Bệnh Parkinson: Biểu hiện run khi nghỉ và và giảm chức năng vận động.
– Triệu chứng về mắt: Trong nhiễm độc thủy ngân mạn tính, phần trước thủy tinh thể có thể biến màu do đọng các hạt thủy ngân nhỏ, đối xứng 2 mắt, tuy nhiên thị lực không ảnh hưởng.
Có thể biểu hiện thu hẹp thị trường và thủy tinh thể đục màu ngọc bích.
– Các rối loạn khác: Gây viêm loét da, móng; trong nhiễm độc thủy ngân mạn tính nặng có gặp sảy thai, cơ thể suy nhược, thiếu máu .
Chẩn đoán bệnh:
Tiền sử nghề nghiệp: Việc chẩn đoán nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp phải dựa vào:
1- Bệnh nhân làm việc trong các ngành nghề phải tiếp xúc với hơi thủy ngân hoặc các chất thủy ngân vô cơ.
2- Triệu chứng lâm sàng:
– Run cố ý;
– Viêm loét lợi, miệng;
– Răng xám đen hoặc đường viền thủy ngân.
3- Cận lâm sàng:
– Hàm lượng thủy ngân trong nước tiểu 0,10 – 0,80mg/24 giờ;
– Số lượng hồng cầu giảm, lympho bào và bạch cầu ái toan tăng.
Điều trị :
Đối với bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp, trước tiên phải cho người bệnh ngừng tiếp xúc với yếu tố gây bệnh.
Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, tuy vậy có 1 số loại thuốc sử dụng hiệu quả tuy còn hạn chế như:
– Methanal natri sunfoxylat được dùng điều trị viêm loét miệng, kết quả tốt.
– BAL điều trị nhiễm độc mạn, nhưng chỉ dùng trong 1 số trường hợp đặc biệt.
– Calci disodic versenat tăng đào thải thủy ngân qua nước tiểu và có tác dụng tốt trong điều trị triệu chứng.
– Penixillamin ngày nay được coi như loại thuốc điều trị nhiễm độc thủy ngân hiệu quả nhất.
– Sinh tố B6 và thuốc an thần điều trị hiệu quả triệu chứng run.
– Các thuốc bổ dưỡng, chống lão hóa nâng cao thể trạng.
Dự phòng:
1- Biện pháp kỹ thuật:
– Cố gắng tối đa thay thế thủy ngân và các hợp chất thủy ngân bằng các chất ít độc hơn trong sản xuất.
– Tổ chức thông gió tại chỗ, thông gió chung là biện pháp cơ bản giảm nồng độ thủy ngân không khí nơi làm việc.
– Đựng thủy ngân trong thùng chứa, phải phủ một lớp nước để tránh bay hơi thủy ngân ra không khí xung quanh.
– Thực hiện kỹ thuật khoan ẩm trong thao tác, khai thác mỏ.
2- Biện pháp y tế:
– Khám tuyển:
Người lao động làm việc trong môi trường có tiếp xúc với thủy ngân, phải được khám tuyển cẩn thận. Những người không được tuyển dụng gồm phụ nữ, người kém sức khỏe, dưới 18 tuổi, những người mắc các bệnh thần kinh, tiêu hóa, gan, thận, cường tuyến giáp, người nghiện rượu.
– Khám sức khỏe định kỳ: Làm việc trong môi trường tiếp xúc với thủy ngân thời gian 6 tháng phải được khám định kỳ, nếu phát hiện có các biểu hiện viêm loét miệng, run… phải xét nghiệm Hg niệu, nếu có biểu hiện nhiễm độc phải ngừng tiếp xúc, tổ chức điểu trị và chuyển công việc.
– Định kỳ đo môi trường xác định nồng độ thủy ngân trong không khí, để có các giải pháp phù hợp. Nồng độ tối đa cho phép của Hg là 0,1mg/m3.
3- Biện pháp vệ sinh:
– Nền nhà nhẵn, không thấm nước; tường được cọ rửa thường xuyên.
– Người lao động phải tắm rửa và thay quần áo sau ca lao động.
– Rửa tay bằng xà phòng và bàn chải trước khi ăn
– Xúc rửa miệng thường xuyên với dung dịch chlorat kali 2%.
– Cấm ăn uống, hút thuốc tại nơi làm việc
Theo Tạp chí Bảo hộ lao động