Ngày cập nhật: 02/05/2024
Thế nào là xói mòn răng?
Xói mòn răng được coi là một bệnh lý mãn tính mất mô cứng của răng do ảnh hưởng của acid nội tại hay ngoại lai mà không có sự tham gia của vi khuẩn. Men răng được cấu tạo chủ yếu từ canxi và hydroapatit vì vậy khi tiếp xúc với acid sẽ xảy ra quá trình khử khoáng làm mềm bề mặt men răng, dẫn đến răng dễ bị mài mòn cơ học.
Những người có nguy cơ xói mòn răng
Công nhân tiếp xúc với axit và các hóa chất gây ăn mòn trong các nhà máy hóa chất, sản xuất phân bón, điện phân kim loại…
Người hay ăn nhiều chua như ăn trái cây có vị chua, uống nước ngọt có ga như Cocacola, nước cam, nước ép bưởi, sử dụng nước uông hàng ngày có tính acid (pH thấp).
Người sử dụng các thuốc có chứa acid, người hay bị nôn hay trào ngược dạ dày.
Triệu chứng của xói mòn răng
Khi răng bị mòn có thể gặp một hoặc nhiều triệu chúng dưới đây:
– Biểu hiện răng tăng tính nhạy cảm: Hay bị ê buốt khi ăn đồ quá nóng (lẩu, nước nóng…) hoặc quá lạnh (kem, đá…), đồ ngọt (kẹo bánh…). Nặng hơn có thể bị đau nhức răng, khó chịu, ù tai, đau lan lên đỉnh đầu…
– Xung quanh răng hay ở các thành, cạnh răng có vết nứt hoặc có sứt mẻ bất thường.
– Bề mặt răng không còn sáng bóng, bằng phẳng, trơn nhẵn.
– Men răng trở nên vàng và mỏng dần đi.
+ Răng dễ bị sâu
Các phương pháp điều trị
Điều trị mòn răng phụ thuộc vào nguyên nhân gây mòn, mức độ nặng nhẹ, sự lan rộng của tổn thương, tuổi và sự hợp tác của người bệnh và tính nhạy cảm của răng. Một số phương pháp hay áp dụng là:
– Trung hòa tác động của axít và tăng sức đề kháng của răng đối với sự tấn công của axít. Sử dụng các chất súc miệng có tính kiềm hoặc trung tính, uống sữa hoặc nhai kẹo cao su loại không đường sau mỗi bữa ăn là việc làm có lợi để tránh mòn răng.
– Bôi véc-ni fluoride tại chỗ để giảm tình trạng quá cảm của răng và tạo điều kiện cho quá trình tái khoáng hóa.
Đeo máng nhai vào những thời điểm có nguy cơ cao trào ngược dịch vị để giảm tổn thương răng. Có thể cho thêm vào màng nhai các chất kiềm hóa, trung hòa a xít như magnesium hydroxide hoặc sodium bicarbonat, gel fluoride…
Điều trị phục hồi hình dạng chức năng của răng như: dán composite, dán bằng nhựa, kim loại hoặc sứ…
Điều trị các răng bị bệnh nha chu, viêm tủy, phục hồi làm dài thân răng, hoặc nắn chỉnh răng do mòn quá mức.
Dự phòng
– Thường xuyên khám răng định kỳ 3 tháng/lần để phát hiện sớm các tổn thương và kịp thời điều trị.
– Đeo thiết bị bảo hộ lao động như khẩu trang trong và sau khi làm việc được coi là chiến lược phòng ngừa giúp giảm nguy cơ xói mòn men răng.
– Kích thích tăng lưu lượng dòng chảy nước bọt, sử dụng thuốc đệm, xúc miệng bằng dung dịch kiềm magnesium hydroxide hoặc sodium bicarbonate để trung hòa dịch axit sau khi tiếp xúc với hơi axit.
– Giáo dục về hành vi cũng như tư vấn dinh dưỡng, tối ưu hóa các chế độ fluor.
BS. Vũ Ngọc Anh, Trung tâmSKNN (Theo Tạp chí BHLĐ)